Người Tà Ôi dù là nam hay nữ đều biết múa AzaKooh trước khi trưởng thành. Đây là điệu múa tập thể, thể hiện tính cộng đồng rất cao. Nếu như múa trong lao động và múa trong sinh hoạt các động tác múa không cần nhiều diễn viên thì đến loại hình múa trong lễ hội AzaKooh tất cả người già, người trẻ, nam nữ ai cũng có thể tham gia. Những chuỗi động tác nhịp nhàng của cơ thể theo tiếng nhạc, trống, cồng chiêng… trong những bộ trang phục Dzèng truyền thống càng tạo được không khí rộn ràng, vui vẻ, có sức cuốn hút lớn đối với người diễn lẫn người xem.
Trong lễ hội AzaKooh, múa “Tung tung za zả” - điệu múa truyền thống độc đáo không chỉ riêng người Tà Ôi mà ngay cả dân tộc Cơ Tu cũng có. Điệu múa Tung tung za zả thể hiện tính nghệ thuật cao qua từng bước đi, điệu nhảy, trong mỗi điệu múa đều chứa đựng tâm hồn, tình cảm và cả cốt cách của người dân miền sơn cước.
Múa Tung tung za zả bao gồm hai loại hình: Múa tung tung dành cho phái nam và múa za zả dành cho phái nữ. Có người ví điệu múa Tung tung za zả như món quà của người Tà Ôi dâng trời đất, nhưng điều dễ nhận thấy nhất là từng động tác múa gắn liền với tiết tấu và nhịp điệu lúc nhanh, lúc chậm, lúc trầm, lúc bổng, lúc thăng hoa cảm xúc, lúc lắng đọng trữ tình gắn liền với âm thanh của các nhạc cụ truyền thống phản ánh cuộc sống lao động và đấu tranh sinh tồn giữa con người với thiên nhiên và phản ánh sức sống mãnh liệt của dân tộc Tà Ôi.
Bảo tồn điệu múa truyền thống
Là người tích cực trong việc giữ gìn và truyền bá điệu múa truyền thống của dân tộc mình, già làng Quỳnh Hiêm thôn Chi Lanh, xã A Đớt, huyện A Lưới tâm sự: Điệu múa Tung tung za zả là điệu múa truyền thống từ xa xưa của cộng đồng người Tà Ôi và đồng bào ai cũng biết múa điệu múa này. Tung tung za zả không thể thiếu được trong các buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Tà Ôi.
Ngày nay, dưới sự tác động của nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại, song đại đa số thanh niên người Tà Ôi vẫn say mê với điệu múa truyền thống của dân tộc mình.
Ý thức được giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, chính quyền và người Tà Ôi ở huyện A Lưới đang có nhiều hoạt động khôi phục lại các giá trị văn hoá tộc người. Vừa được cộng đồng trân trọng giữ gìn, điệu múa truyền thống trong lễ hội AzaKooh được nhiều điều kiện thuận lợi để khôi phục và phát triển. Lễ hội AzaKooh đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các già làng, các nghệ nhân dân gian khôi phục và lưu truyền các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong các dịp lễ hội nói chung và lễ hội AzaKooh của người Tà Ôi nói riêng để qua đó lưu truyền các loại hình văn hóa nghệ thuật độc đáo này.
Cơ hội cho phát triển du lịch
Với phương châm lấy du lịch là một trong những động lực chính phát triển kinh tế của địa phương, bản sắc văn hoá dân tộc Tà Ôi, trong đó điệu múa truyền thống trong lễ hội AzaKooh đang được huyện A Lưới bảo tồn, gìn giữ để phát triển hoạt động du lịch văn hoá, du lịch lễ hội. Rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến Việt Nam mong muốn khám phá những phong tục, những lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung. Điều này chắc chắn sẽ đem lại nhiều cơ hội cho người Tà Ôi phát triển kinh tế đi đôi với phát huy nét văn hóa truyền thống, giàu bản sắc của mình.
Sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân tộc Tà Ôi ngày càng phát triển, vì vậy các điệu múa truyền thống trình diễn trong các lễ hội cũng không ngừng được bảo tồn và phát huy giá trị, được truyền dạy từ thế hệ này qua thế hệ khác. Điệu múa truyền thống trong lễ hội AzaKooh là tuyệt tác, là tâm hồn và là biểu tượng của văn hoá truyền thống của đồng bào Tà Ôi. Hy vọng rằng nó sẽ sống mãi trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Tà Ôi./.